- - Khởi công lần 1: ngày 12 tháng 3 năm 1996
- - Hoàn thành: tháng 9 năm 1997
- - Cải tạo, tu bổ nâng cấp: ngày 07 tháng 02 năm 2001
- - Khánh thành: ngày 19/4/2002 (mùng 10/03 ÂL năm Nhâm Ngọ)
- - Kinh phí đầu tư: hơn 3 tỷ đồng
- - Tượng được dát vàng: 2kg, vào đầu năm 2002
Kiến trúc Đền thờ Vua Hùng:
Tổng diện tích khuôn viên đền là 1.678 m2. Đền cao 18 m, có hình bát giác, biểu tượng cho bốn phương tám hướng, được kiến trúc trên mặt trống đồng rộng 250m2 với dáng vẻ nguy nga, hoành tráng mang hồn thiêng sông núi, càng khẳng định sự trường tồn, nền tảng vững chắc. Đền được chạm trổ công phu với những hoa văn, họa tiết điêu khắc cổ Việt Nam - hoa văn trên trống đồng Đông Sơn có từ thời các vua Hùng do đội ngũ nghệ nhân Suối Tiên thực hiện.
Hai bên cổng đền là hai văn bia ghi lại công đức dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng, nhắc nhở con dân đất Việt phải biết gìn giữ, tô bồi quê hương gấm vóc, đời đời ghi nhớ công đức tiền nhân. Tiến vào đền đi lên chín bậc cấp, “tượng vua Hùng được đặt trên ngôi cao 9 bệ”. Lối vào đền được bố trí 18 chiếc trống đồng tượng trưng cho 18 đời vua Hùng và hai hàng chim Lạc hướng về phía đền.
Mái đền hình bát giác, hai tầng mái cong, đặc trưng của kiến trúc đền chùa dân gian người Việt. Tám đầu đao là tám con chim Lạc, đầu chim Lạc hướng về đỉnh đền biểu trưng cho sự hội ngộ của mười phương tám hướng.
Đỉnh đền là hình trống đồng, trống đồng được đặt nơi cao nhất là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Trên mặt trống là 5 chim Lạc quần tụ biểu hiện con Rồng cháu Tiên dù ở năm châu, bốn bể vẫn hội tụ về Việt Nam, về cội nguồn dân tộc.
Chung quanh trống đồng khắc họa các truyền thuyết lịch sử dân tộc: truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, Truyền thuyết Dưa Hấu (Mai An Tiêm), Truyền thuyết Thánh Gióng, Truyền thuyết Bánh Chưng - Bánh Dày… là những truyền thuyết giàu tính văn hóa, đầy tính nhân bản của dân tộc Việt Nam.
Tượng vua Hùng:
Tượng vua Hùng cao 9m4, dát vàng (2kg), với thần thái uy nghi lẫm liệt, nhân từ, cương nghị và phúc hậu, tượng được đặt trên ngôi cao chín bậc, mặt hướng về phía Bắc nơi nguồn gốc dân tộc. Bên cạnh tượng là mô hình bánh Chưng, bánh Dày biểu tượng Âm Dương, trời thì tròn, đất thì vuông, tượng trưng cho tấm lòng nhớ ơn tổ tiên.
Phía sau tượng là án thờ chính, nơi đây thờ 18kg đất, 18lít nước, 3 cây cọ, 3 cây chò và một bát nhang được thỉnh từ đất tổ Phú Thọ đem về, để đồng bào phương Nam dù chưa có dịp hành hương về đất Tổ cũng được chiêm ngưỡng lễ bái tại đây.
Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 03 âm lịch, lễ hội giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại đền thờ vua Hùng với nhiều nghi lễ trang nghiêm, hoành tráng. Đặc sắc nhất là lễ rước kiệu “Quốc Tổ Hùng Vương Vi Hành Miền Đất Tứ Linh” hoành tráng cùng đội liễn, lọng, cờ ngũ sắc, kiệu và các lạc hầu lạc tướng. Lễ rước kiệu Vua Hùng tái hiện lại thời kỳ dựng nước mở đầu trang sử hào hùng của các triều đại Hùng Vương với huyền sử Trăm Trứng Trăm con, huyền sử Lang Liêu, huyền sử Mai An Tiêm, huyền sử Sơn Tinh Thủy Tinh.
- Tham gia rước kiệu còn có hơn 2000 diễn viên, đại diện cho 54 dân tộc anh em đến từ mọi miền Tổ quốc Việt Nam với trang phục lộng lẫy , tươi đẹp và rộn ràng trong những vũ điệu, âm thanh vang vọng sắc thái của từng miền đất nước. Chương trình sử ca Việt Nam được biểu diễn trên sân khấu Hùng Vương.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Việt Nam được UNESCO công nhận là “Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Đại Diện Của Nhân Loại”. UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”.